25 thg 1, 2018

TRIỆU CHỨNG THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

NGUYÊN NHÂN
Có nhiều nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm được liệt kê sau đây:
1. Tuổi tác
Đĩa đệm của những người từ 35 tuổi trở lên thường mất đi sự mềm mại, trở nên khô ráp và xơ hóa, có thể bị rạn nứt hoặc bị rách, nhân nhầy dễ thoát vị và chèn ép lên tủy sống hay các rễ thần kinh gây đau cột sống. Tuổi tác càng cao thì đĩa đệm cũng có dấu hiệu lão hóa, gây nên tình trạng thoái hóa cột sống, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
2. Chấn thương
Trong quá trình sinh hoạt và lao động, cột sống phải chịu một số tổn thương gây thoát vị đĩa đệm. Đó có thể là do các tư thế lao động không đúng, thường xuyên ngồi một chỗ trong thời gian dài và ít vận động hay người mang vác, bê, kéo các vật nặng…cũng khiến cho cột sống bị chấn thương làm thoát vị đĩa đệm nhanh hơn.
3. Trọng lượng và chiều cao
Theo nghiên cứu, người có trọng lượng cơ thể quá lớn có thể khiến cột sống phải chịu nhiều áp lực, các đĩa đệm và dây thần kinh ở khu vực lưng thường quá tải và căng giãn quá mức. Bên cạnh đó, người có chiều cao từ 1m7 trở lên đối với nữ và 1m80 đối với nam cũng làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
4. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá không những gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm về các cơ quan nội tạng mà cũng ảnh hưởng lớn đến xương khớp. Hút thuốc lá khiến nồng độ oxy trong máu bị giảm sút và làm thất thoát các chất dinh dưỡng quan trọng cho các mô, tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
5. Di truyền
Yếu tố di truyền cũng đáng được chú ý khi xét đến các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm. Người có cấu trúc đĩa đệm yếu thì cũng có thể di truyền cho thế hệ sau.

TRIỆU CHỨNG
Khi thoát vị gây chèn ép thần kinh, tùy thuộc vị trí đĩa đệm bị thoát vị mà các triệu chứng khác nhau:
Đau vai gáy hoặc thắt lưng, đau tại chỗ hoặc lan xuống cách tay khi thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, lan xuống mông, mặt sau hoặc mặt ngoài chân (thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng), đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau tăng khi bị lạnh, đi lại, vận động, ho, hắt hơi, cười; khi nghỉ ngơi, nằm co chân thì đỡ đau.
Có thể có giảm cảm giác hay có cảm giác như kim châm tê bì, bỏng rát.
Trường hợp nặng hoặc bệnh lâu ngày có thể teo cơ chi.
Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng, nếu chèn vào đám rối thần kinh đuôi ngựa, người bệnh có thể bị rối loạn đại tiểu tiện, ảnh hưởng đến chức năng sinh dục (rối loạn cương dương…).
Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống cổ, có thể đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ.

ĐIỀU TRỊ
Để điều trị thoát vị đĩa đệm  có hiệu quả thoát vị đĩa đệm cần phối hợp nhiều phương pháp.
Trong giai đoạn cấp người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường, nằm giường cứng, tránh vận động. Trong giai đoạn mạn tính cần kết hợp các bài tập phù hợp, treo xà đơn, bơi lội. Tránh bê vác vật nặng, các động tác sai tư thế.
Đeo đai cột sống giúp làm giảm tải tác động lên đĩa đệm.
Sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu như kéo giãn cột sống, hồng ngoại, siêu âm...
Y học cổ truyền với các phương pháp châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt và dùng các thảo dược có tác dụng thông kinh lạc, bố can thận như đương quy, ngưu tất, đỗ trọng, tần giao… đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, góp phần điều trị thoát vị đĩa đệm có hiệu quả.
Việc sử dụng các thuốc Tây y như giảm đau chống viêm, giãn cơ, bổ thần kinh, tiêm ngoài màng cứng (trong trường hơp nặng) có nhiều tác dụng phụ cần sự theo dõi chặt chẽ của các bác sỹ chuyên khoa.
Can thiệp ngoại khoa trong trường hợp có chèn ép đám rối thần kinh đuôi ngựa hoặc điều trị nội khoa không hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét